Dùng kem dưỡng ẩm đều đặn nhưng da vẫn khô tróc, đổ dầu hay thậm chí là nổi mụn thì có lẽ bạn nên xem lại công thức mà mình sử dụng.
Bởi thành phần hay khả năng cấp ẩm, khóa ẩm cũng ảnh hưởng không hề nhỏ đến hiệu quả nhận được.
1. Cấp ẩm là gì?
Cấp ẩm có thể hiểu là quá trình cung cấp độ ẩm giúp da đầy đặn, mịn màng và ẩm mượt hơn.
Chất cấp ẩm (humectants) có khả năng thu hút độ ẩm từ môi trường xung quanh và các lớp sâu hơn của da để cung cấp và duy trì độ ẩm cho bề mặt.
Dù có công dụng tuyệt vời trong việc giữ cho da mềm mại, dẻo dai và ngậm nước nhưng chất cấp ẩm cũng có nhược điểm riêng.
Đó là khi không khí hanh khô, độ ẩm xuống thấp thành phần này có gây khô da và mất nước từ bên trong khi hút quá nhiều độ ẩm từ các lớp dưới da (khi chúng không thể thu hút độ ẩm trong không khí).
Một số chất cấp ẩm thường gặp:
– Hyaluronic acid (HA)/ sodium hyaluronate
– Glycerin/ glycerol
– AHA (glycolic acid, malic acid, lactic acid, mandelic acid)
– Urea
– Sorbitol
– Polyethylene Glycol (PEG)
– Sodium PCA
– Nha đam
– Mật ong
– Chiết xuất nấm linh chi
2. Khóa ẩm là gì?
Khóa ẩm về cơ bản là quá trình bảo vệ, giữ độ ẩm, nước ở lại trong da nhằm hạn chế tối đa tình trạng chúng bị bốc hơi ra môi trường bên ngoài.
Chất khóa ẩm (occlusives) tạo ra một lớp bảo vệ trên bề mặt da đồng thời chống lại các tác nhân gây hại từ bên ngoài.
Ngoài ra, hiệu quả giảm kích ứng, sửa chữa và phục hồi hàng rào bảo vệ tự nhiên của chúng cũng sẽ rất có lợi cho sức khỏe tổng thể của làn da.
Tuy nhiên, vì chất khóa ẩm thường khá nặng nên trong một số trường hợp nó có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông hay nổi mụn (đặc biệt da dầu, da dễ nổi mụn).
Một số chất khóa ẩm phổ biến:
– Petrolatum (mineral oil, petroleum jelly…)
– Silicone (dimethicone)
– Lanolin
– Bơ hạt mỡ
– Các loại dầu như dầu dừa, dầu oliu…
3. Bộ 3 thành phần nên có trong kem dưỡng ẩm
Ngoài chất cấp ẩm và khóa ẩm, một lọ kem dưỡng ẩm hoàn hảo còn nên có thêm sự góp mặt của chất làm mềm (emollients) như cetyl alcohol, squalane, ceramide… để “thuần hóa” vùng da thô ráp, bong tróc khiến chúng trở nên mịn màng hơn.
Thông thường, một sản phẩm dưỡng ẩm sẽ có sự góp mặt của chất cấp ẩm, chất làm mềm và chất khóa ẩm.
Tuy nhiên, vì mỗi thành phần lại có cách hoạt động và công dụng khác nhau nên nếu hiểu đúng về chúng bạn sẽ có được lựa chọn tốt nhất cho bản thân mình nên đừng quên ghi nhớ.